Sự lựa chọn sẽ dành cho dòng xe nào giữa Mitsubishi Xpander và Toyota Rush
Cuối năm 2018, phân khúc MPV/SUV giá bán dưới 700 triệu đồng đánh dấu sự sôi động khi có hàng loạt nhân tố mới xuất hiện. Khởi đầu là Mitsubishi Xpander, sau đó là Toyota Rush ở thị trường xe nhập khẩu, trong khi xe lắp ráp trong nước là Ford EcoSport và “tân binh” Hyundai Kona. Tính riêng xe 7 chỗ, Xpander và Rush có một sự đối đầu thú vị, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh sòng phẳng.
Mitsubishi Xpander chính thức ra mắt ngày 8/8/2018. Cho tới hết năm 2018, mẫu xe này đạt doanh số cộng dồn 990 xe, theo số liệu từ VAMA. Trong khi đó, Toyota Rush ra mắt ngày 23/10/2018, và kết thúc năm 2018 với con số 765 xe. Sự chênh lệch trong năm 2018 là không thực sự rõ ràng, khi Xpander dù ra mắt sớm nhưng không có xe bán ở những tháng đầu tiên.
Tháng 1/2019 chứng kiến sự tăng tốc của Xpander, khi có 1.295 xe MPV của Mitsubishi được bán ra thị trường, gấp đôi doanh số đối thủ Toyota Rush (541 xe). Có vẻ như Xpander đang có những lợi thế nhất định để có thể trở thành mẫu xe 7 chỗ dưới 700 triệu bán chạy hơn so với Rush.
Bề ngoài mới mẻ
Cả Toyota Rush và Mitsubishi Xpander ra mắt năm 2018 đều là lần đầu tiên hai mẫu xe này xuất hiện tại Việt Nam. Sự mới mẻ của thiết kế tạo sức hút không nhỏ và tạo cơ hội cho người dùng có được một lựa chọn khác lạ trên thị trường. Nói về sự khác biệt trong thiết kế ngoại thất, thì Xpander vượt lên Rush một bậc.
Toyota Rush và Mitsubishi Xpander có cấu tạo khung gầm khác nhau. Với Toyota Rush là kết cấu khung gầm rời (body-on frame) với hệ dẫn động cầu sau tương tự Innova. Ngược lại, Mitsubishi Xpander là mẫu xe MPV gầm cao có kết cấu khung gầm liền khối (unibody) và dẫn động cầu trước. Cấu tạo khung gầm này khiến Rush chịu lực tốt hơn và vượt địa hình tốt hơn, trong khi Xpander sẽ thiên về êm ái hơn. Rush cũng nặng hơn khoảng 50 kg so với Xpander.
Thật khó để tìm được một mẫu xe MPV trên thị trường hiện nay có thiết kế đầu xe độc đáo như Mitsubishi Xpander. Các bộ phận đèn pha, đèn báo rẽ và đèn LED được tách biệt rõ rệt, khác hoàn toàn các mẫu ôtô hiện nay. Phía trên cùng là đèn LED định vị, bên dưới là hốc đèn pha cỡ lớn cùng đèn báo rẽ. Tuy nhiên, đèn pha trên Xpander vẫn là đèn pha halogen trong khi Toyota Rush là đèn LED.
Xpander có khoảng sáng gầm xe khá lớn: 205 mm, cao hơn một số mẫu crossover hiện nay trên thị trường như Honda CR-V (198 mm), Mitsubishi Outlander (190 mm). Mitsubishi Xpander tuy vậy vẫn xếp dưới mẫu SUV thực thụ Toyota Rush. Rush có khoảng sáng gầm xe tới 220 mm do vậy, khả năng vượt “trèo đèo lội suối” của có phần nhỉnh hơn Mitsubishi Xpander.
Ngược lại, chiều dài cơ sở của Rush có phần thua kém Xpander. Theo nhà sản xuất, chiều dài cơ sở Toyota Rush đạt 2.685 mm, ngắn hơn Mitsubishi Xpander (2.775 mm) 90 mm. Cả hai đều rất phù hợp với môi trường giao thông đô thị đông đúc ở Việt Nam khi có cùng bán kính quay đầu là 5,2 mét.
Về tổng thể thiết kế, Rush mang những đường nét mạnh mẽ và trung tính hơn, thân thiện với số đông hơn. Trong khi đó, Xpander thiên về những đường nét độc đáo, phá cách và phần nào gây hấp dẫn khi ra mắt, tuy nhiên xét về lâu dài, Xpander sẽ nhanh hết mốt và khó bền dáng như Rush.
Tính tiện dụng
Cả Mitsubishi Xpander và Toyota Rush đều là những mẫu xe 7 chỗ ngồi, có không gian bên trong vừa đủ rộng và có cửa gió điều hoà cho hai hàng ghế phía sau. Xpander sở hữu số lượng ngăn chứa đồ đa dạng và có thể coi là ưu điểm so với Rush. Màn hình giải trí cảm ứng của Xpander là 6,2 inch, còn Rush là 7 inch. Hai mẫu xe đều có trang bị giải trí ở mức vừa đủ dùng.
Nếu gập hàng ghế thứ ba, Xpander tạo ra một mặt phẳng giúp sắp xếp đồ đạc dễ dàng. Toyota Rush có cơ chế treo ghế tương tự không tạo thành một mặt phẳng như chiếc xe của Mitsubishi, giảm đi phần nào khả năng chở đồ. Bù lại, hàng ghế thứ hai trên Rush có tựa đầu cho người ngồi giữa, trên Mitsubishi Xpander không có.
Độ thoải mái ở hàng ghế thứ ba ở bất cứ một mẫu xe 7 chỗ nào là mối quan tâm hàng đầu. Mitsubishi Xpander có không gian đủ rộng cho người có chiều cao 1m8. Ngoài ra, hàng ghế thứ ba của Xpander có thể ngả về sau, hàng ghế thứ ba trên Toyota Rush không có chức năng này. Không gian cho hàng ghế thứ ba trên Toyota khá hạn chế, phù hợp cho hành khách cao dưới 1m72. Bù lại, Toyota trang bị cổng sạc điện 12V cho cả ba hàng ghế.
Nhựa là vật liệu được sử dụng chủ yếu trên bảng taplo ở cả hai xe. Xpander sử dụng tông màu sáng ở cả vật liệu nhựa và chất liệu nỉ tạo cảm giác rộng rãi về thị giác cho khách hàng. Ngược lại, người dùng sẽ phải chăm chút, giữ gìn nội thất trong quá trình sử dụng và phanh tay đặt quá cao là một điểm trừ khá lớn về thẩm mỹ.
Màu đen là tông màu chủ đạo ở Toyota Rush, xen kẽ chi tiết mạ chrome và phần nhựa sáng màu hiếm hoi. Bảng taplo Rush thiết kế hiện đại với vô lăng hai màu tương phản tích hợp các tính năng cơ bản như đàm thoại rảnh tay, điều chỉnh âm lượng.
Về tổng thể nội thất, Xpander tiện dụng hơn, tuy nhiên thiết kế bên trong của mẫu xe này lại khá mờ nhạt và kém hấp dẫn, đối lập với sự nổi bật của ngoại thất. Rush có không gian nội thất hiện đại và hài hòa hơn so với Xpander. Toyota vẫn biết cách tạo nên một sản phẩm vừa đủ về cả ngoại nội thất, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn và lâu lỗi mốt hơn.
Sức mạnh và an toàn
Cả Toyota Rush và Mitsubishi Xpander đều hướng đến nhóm khách hàng là người dùng sắm xe cho gia đình. Với nhóm người dùng mua xe để kinh doanh, Mitsubishi Xpander có lợi thế khi có thêm phiên bản số sàn 5 cấp cùng giá bán khá tốt (550 triệu đồng).
Dù lựa chọn bản số sàn có nội thất đơn điệu và tính năng giải trí sơ sài, hệ thống an toàn trên Xpander cũng khá đầy đủ. Cụ thể, xe có hệ thống cân bằng điện tử, phân phối lực phanh điện tử, hỗ trợ phanh khẩn cấp, khởi hành ngang dốc, cảnh báo phanh khẩn cấp và 2 túi khí. Toyota Rush cũng có đầy đủ các hệ thống an toàn kể trên nhưng có tới 6 túi khí và thêm cảm biến lùi.
Cả hai xe đều sử dụng động cơ dung tích nhỏ (1.5L) có công suất thấp cùng hộp số tự động 4 cấp. Cụ thể, Mitsubishi Xpander có công suất 103 mã lực và mô-men xoắn cực đại 141 Nm. Toyota Rush có công suất 104 mã lực và mô men xoắn 139 Nm, gần như tương đương. Ưu thế của Rush nằm ở dẫn động cầu sau.
Nhiều người nghĩ rằng, động cơ dung tích nhỏ hoàn toàn không đủ sức mạnh cho một mẫu xe 7 chỗ khi chở đủ 7 người như Rush và Xpander. Thực tế vận hành cho thấy, khối động cơ này chỉ ở mức vừa đủ cho cả 2 mẫu xe. Cả Rush và Xpander khi đủ tải đều vận hành theo kiểu điềm đạm, tròn vai, là phương tiện lý tưởng để đi xa chứ không phải đi nhanh.
Trong phố, Rush có khả năng tăng tốc bước đầu mạnh mẽ hơn một chút so với Xpander. Trên đường trường, hai mẫu xe cùng gặp khó khăn khi vượt xe phía trước, bởi sự hạn chế về sức mạnh động cơ. Muốn vượt xe với 2 mẫu xe này, bạn nên chuẩn bị tinh thần lấy đà cho xe từ trước, và những cú bứt tốc "dính lưng" để vượt xe là bất khả thi.
Đánh giá
Mức giá từ 550-650 triệu đồng cùng nhiều lựa chọn về phiên bản giúp Mitsubishi Xpander dễ dàng tiếp cận nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng. Thiết kế bên ngoài ấn tượng cũng là ưu điểm khiến mẫu xe này thu hút được sự chú ý khi vừa ra mắt. Tuy nhiên thiết kế này sẽ sớm lỗi mốt hơn so với Toyota Rush.
Về phía Toyota Rush, 1 phiên bản duy nhất với mức giá 668 triệu đồng khiến Rush hạn chế khá nhiều đối tượng khách hàng. Bù lại, mẫu xe này có thiết kế trung tính, dễ được chấp nhận, bền dáng và sử dụng hệ thống dẫn động cầu sau cùng khung gầm rời, hứa hẹn sẽ mang lại sự bền bỉ hơn cho người sử dụng.
Khả năng vận hành của 2 mẫu xe là tương đương, trong khi Xpander có không gian bên trong tiện dụng hơn một chút so với Rush. Bên cạnh yếu tố thương hiệu của Toyota vượt trội hơn Mitsubishi tại Việt Nam, thì sự thua kém về đại lý và dịch vụ về lâu dài sẽ là khó khăn mà Xpander phải vượt qua khi đối đầu với Rush.
Tóm lại lựa chọn ấn tượng và nổi bật hơn thiên về Mitsubishi Xpander, trong khi những người thích mẫu xe an toàn, bền bỉ và tiết kiệm sẽ phù hợp hơn với mẫu xe của Toyota.