Núi cấm An Giang: Những huyền sử linh thiêng
Phong cảnh thơ mộng trên núi Cấm - Ảnh: An Giang
Núi cấm với những huyền thoại
Trong cuốn "Thất Sơn mầu nhiệm" nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu viết: Thất Sơn tức Bửu Sơn hay Bảo Sơn, là những ngọn núi hiển linh, vùng "hoa địa", nơi có nhiều bậc siêu phàm xuất hiện, nhiều vị tu thành chính quả.
Theo sử sách, vào đời Gia Long, hai chữ "Bảy Núi" chưa xuất hiện. Một số sách đáng tin cậy đã ghi về Thất Sơn như sau: Sách Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức ghi 19 ngọn núi ở An Giang mà không thấy nói đến khái niệm Thất Sơn; Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ra đời năm 1882, ghi bảy ngọn núi nằm trong Thất Sơn gồm: Núi Tượng Sơn, núi Tô Sơn, núi Cấm Sơn, núi Ốc Nhẫm, núi Nam Vi, núi Tà Biệt, núi Nhân Hòa; Sách Thất Sơn huyền bí (theo Nguyễn Văn Hầu) cụ Hồ Biểu Chánh ghi Thất Sơn gồm núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm; Sách Tự vị Tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển ghi: Núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Sam, núi Két, núi Dài, núi Tà Béc.
Còn theo các bô lão và các tín đồ của Đức Phật Thầy Tây An thì Bảy Núi đó là: Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Thiên Cẩm Sơn, Liên Hoa Sơn, Thủy Đài Sơn; Ngọa Long Sơn, Phụng Hoàng Sơn.
Gần đây nhất, trong cuốn "Những trang sử về An Giang", nhà nghiên cứu Trần Thanh Phương ghi Thất Sơn gồm: Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn) giống như tên gọi trong dân gian hiện nay.
Còn theo Địa chí An Giang, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có tới 37 ngọn núi có tên. Nhà biên khảo Sơn Nam thì lại cho rằng "Bảy Núi linh thiêng có lẽ xuất phát từ thời Đoàn Minh Huyên với thuyết "Bửu Sơn Kỳ Hương" nhằm khuyên tín đồ qui dân lập ấp, rồi lần hồi bị ảnh hưởng quá nặng của mê tín cổ sơ, tô điểm thêm chi tiết".
Mãi cho đến nay, nhiều người vẫn coi Thất Sơn là vùng đất thiêng còn ẩn chứa bao điều kỳ bí.
Điểm du lịch nổi tiếng
Giờ đây, núi Cấm trở thành du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có các danh lam và danh thắng như: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, v.v...
Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: Suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm.
Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh, đặc biệt có cáp treo núi Cấm đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch từ ngày 14 tháng 02 năm 2015 (nhằm ngày 26 tháng 12 năm 2014 âm lịch).
Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái... núi Cấm còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh và nước khoáng thiên nhiên... nhưng chưa được chính quyền địa phương cấp phép khai thác.
Ánh Linh