Lò hủ tiếu lâu đời ở Cần Thơ, nghi ngút khói hơn ba đời nay
Sau khi đi hết một vòng chợ nổi, bạn hãy thử ghé vô lò hủ tiếu của chú Chín – một trong những nơi nhất định bạn không nên bỏ lỡ. Và đây có lẽ là lò hủ tiếu vẫn còn giữ nguyên được giá trị truyền thống suốt ba đời nay.
Không những thế nơi đây còn ẩn chứa rất nhiều địa điểm check-in mới lạ có thể “đổi gió” cho kì nghỉ của bạn. Một tọa độ du khách không thể không ghé đến đó là lò hủ tiếu gia truyền ba đời của chú Chín Của.
Cùng Thuê xe Cần Thơ giá rẻ khám phá xem lò hủ tiếu có gì đặc biệt mà lại nổi tiếng và được du khách trong và ngoài nước yêu thích như vậy nhé!
Lò hủ tiếu ba đời ở Cần Thơ
Lò hủ tiếu Chín Của nằm gần chợ nổi Cái Răng, bạn có thể sắp xếp lịch trình đến đây bằng thuyền ngay sau khi tham quan chợ nổi. Ghé thăm làng nghề truyền thống làm hủ tiếu để tìm hiểu công đoạn làm ra sợi hủ tiếu nức tiếng gần xa của vùng đất Cần Thơ, sẽ là hành trình vô cùng thú vị dành cho bạn.
Hoặc nếu đi bằng đường bộ, bạn có thể chạy đến Lộ Vòng Cung (Đường 923), rồi rẽ vào hẻm 476, chạy thêm một đoạn là đến. Hoặc từ Pizza Hủ Tiếu Sáu Hoài, đi bộ khoảng 500m nữa sẽ thấy được bảng chỉ đường vào, quán nằm trong một con hẻm nhỏ.
Khu vực cầu Rau Răm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 4 km có nhiều gia đình gắn bó với nghề làm hủ tiếu, nổi tiếng nhất phải kể đến lò Chín Của, Sáu Hoài, Quê Tôi, thu hút rất nhiều du khách trong nước và khách nước ngoài ghé thăm.
Du khách nước ngoài tìm đến lò Chín Của ngày một đông.
Thời điểm thích hợp nhất để tham quan lò hủ tiếu là vào buổi sáng, du khách đến đây rất đông vào thời điểm này.
Bạn nên tham quan lò sản xuất vào buổi sáng để có thể tận mắt thấy hết được từng công đoạn làm ra sợi hủ tiếu dai ngon và có vị ngọt thanh, thấy được cái tinh túy được kết tinh trong từng sợi hủ tiếu. Đặc biệt là trải nghiệm tận tay tham gia các công đoạn làm hủ tiếu và thưởng thức các món ngon từ hủ tiếu.
Ông Dương Văn Của, 49 tuổi, chủ lò hủ tiếu Chín Của, cho hay, ông bắt đầu làm công việc này từ năm 1982. "Làm hủ tiếu không chỉ là nghề truyền thống của gia đình tôi mà còn nhiều người dân khác sống ở quanh khu An Bình này. Tôi học việc từ ông bà khi còn nhỏ rồi và theo nghề đã gần 40 năm", ông Của nói.
"Năm 1991 lò hủ tiếu của gia đình nằm ngoài lộ, đón đông khách Nhật. Đến năm 1995, khi gia đình dời vào sâu trong làng, ở vị trí hiện tại, thì lò mới bắt đầu có khách Âu ghé chân", ông Của nói. Khách đến đây không chỉ tìm hiểu quy trình thực hiện mà còn được trải nghiệm đổ bánh và mua sản phẩm về làm quà.
Ông Dương Văn Của nhanh tay trải những chiếc bánh vừa mới tráng lên ré tre.
Vừa đặt chân đến căn nhà lợp mái lá nằm sâu trong con đường làng, bạn sẽ bắt gặp cảnh khói bốc nghi ngút quanh chiếc lò, theo ông Của, tuổi thọ của nó đã hơn nửa thế kỷ.
Từ 4h sáng, lò được nổi lửa đợi khoảng nửa tiếng cho nước sôi thì bắt đầu đổ bột. Hiện công việc tại lò hủ tiếu này được người thân gồm vợ, con cháu và anh em của ông Của cùng nhau làm.
Gian nhà của các hộ đều được thiết kế với mái che, sân vườn thoáng đãng để phơi hủ tiếu dưới ánh sáng tự nhiên. Mỗi gia đình làm nghề có bí quyết gia truyền trong từng công đoạn để tạo ra sợi hủ tiếu mềm, dai và giữ được vị ngọt thanh tao.
Điểm đặc biệt ở đây là sợi hủ tiếu màu tự nhiên không hề bị tẩy trắng.
Ông Quách Tĩnh (sinh năm 1964), anh họ ông Của, cho biết, cách pha bột tại nhà không có gì khác biệt so với các lò trong vùng. Muốn sợi hủ tiếu có màu trắng đục, thơm thì phải chọn được loại gạo ngon.
Công đoạn pha bột sẽ được làm từ đêm hôm trước. "Bột năng và bột gạo được pha theo tỷ lệ cùng nước sạch, để lắng qua đêm là sáng hôm sau có thể dùng tráng bánh", ông Tĩnh giải thích khi có du khách thắc mắc về quy trình làm.
Bột sẽ được pha từ đêm hôm trước, 4h sáng hôm sau nổi lửa lên để tráng bánh.
Người thợ dùng bột được làm từ những hạt gạo trắng nõn, thon dài tráng thành lớp bánh mỏng trên bề mặt khuôn, sao cho tấm bánh có độ dày đều nhau, bánh tráng ra quá dày hoặc quá mỏng đều sẽ không đạt yêu cầu
Khâu tráng bánh rất quan trọng đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn của người thợ với nhiều năm kinh nghiệm. Sau đó, đậy nắp khuôn khoảng 20 giây để bánh chín nhờ hơi nước. Thời gian hấp chín bánh trung bình trong khoảng 1 - 2 phút.
Công đoạn tráng bánh đòi hỏi người thợ phải nhanh tay lấy bánh ngay khi bột chín để trên rá tre. "Nếu chậm tay, bánh sẽ bị dính, khó lấy khỏi nồi, thậm chí bị rách", vợ ông Của nói.
Mỗi chiếc ré tre dài gần 2m, phơi được 4 chiếc bánh. Theo ông Của, thời tiết là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của sợi hủ tiếu. "Bánh cần một đến 2 con nắng mới ráo và phải biết canh những ngày nắng gắt để bánh không bị quá khô", ông Của nói.
Du khách nhanh tay trải bánh đều lên rá tre, và cho ra đời những bức ảnh đẹp.
Du khách tranh thủ phơi bánh khi nắng đang gắt để bánh không bị khô.
Bánh sau khi phơi nắng sẽ được đưa vào cắt. Đều tăm tắp, ông Tĩnh đặt miếng bánh lên trên máy. Những sợi hủ tiếu to tròn trôi ra ở đầu bên kia, nơi có đôi bàn tay của chị Hai, em ông Của đợi sẵn.
Công đoạn cuối cùng là cắt miếng bánh thành sợi nhỏ. Sợi hủ tiếu thành phẩm vừa có thể dùng để nấu món nước vừa chiên lên làm chiếc bánh pizza trứ danh.
Muốn sợi hủ tiếu có màu trắng đục, thơm thì phải chọn được loại gạo ngon và trắng nõn.
Hiện tại, lò nhà ông Của sản xuất 5 loại hủ tiếu, các bánh hủ tiếu có màu sắc bắt mắt, làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Ngoài loại cơ bản có màu trắng đục từ bột gạo, có thêm 4 màu khác từ lá cẩm, nghệ, trái gấc và lá dứa. Chủ lò cho biết, các loại trên mới đưa vào sản xuất để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Giá mỗi kg hủ tiếu được bán ra từ 40.000 đồng, tuỳ loại.
Hủ tiếu ở đây sau khi đóng gói, ngoài làm quà để khách đến tham quan mua sắm, sẽ được chuyển đến các cửa hàng ở Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành lân cận như Trà Vinh, Vĩnh Long, TP HCM... để tiêu thụ.
Nét tinh hoa trong ẩm thực xứ sở Tây Đô
Nhắc tới đặc sản miền Tây được nhiều người mê thích chính là món hủ tiếu. Với nước lèo trong veo kết hợp với mực nướng, tôm khô, hành phi thơm,…tạo nên một mùi hương thơm ngon ngây ngất. Sợi hủ tiếu được sử dụng có độ dai vừa phải tạo nên một hương vị rất riêng khiến ai thưởng thức cũng phải yêu thích.
Thưởng thức tô hủ tiếu nghi ngút khói tại Chợ nổi Cái Răng, cảm giác đặc biệt này bạn sẽ không tìm thấy ở bất cứ đâu.
Bức ảnh khiến du khách tứa nước miếng là đây chứ đâu.
Cách đây vài năm, món pizza hủ tiếu của miền sông nước Cần Thơ xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo. Tên gọi lạ tai, cách thưởng thức độc đáo là lý do món ăn khiến nhiều thực khách tò mò. Nếu những chiếc pizza truyền thống có phần đế là bột nướng thì người miền Tây lại thay bằng sợi hủ tiếu. Người ta trụng chín sợi hủ tiếu rồi chiên nhanh trong chảo dầu nóng đến khi giòn, có màu vàng đẹp mắt.
Để món ăn vàng đều, không cháy cạnh, người nấu phải khéo léo, nhanh tay lật đồng thời dồn sợi hủ tiếu thành miếng tròn. Phần ăn hoàn chỉnh khá bắt mắt, điểm xuyết thêm mùi thơm của hành ngò, đậu phộng rang bùi bùi trọn vị miền Tây. Thực khách có thể thưởng thức món ăn cùng trứng chiên, rưới nước cốt dừa, đậu phộng rang giã nhỏ hoặc mua về với giá 30.000 đồng/bánh.
Đến Cần Thơ du khách đừng quên thưởng thức món ăn này nhé!
Nếu đã trót phải lòng với Lò hủ tiếu Chín Của ba đời nổi tiếng xứ sở Tây Đô, một địa điểm hấp dẫn nữa mà Thuê xe giá rẻ Cần Thơ muốn chia sẻ đến du khách đó là Lò bánh hỏi mặt võng gia truyền ngon nức tiếng ở Cần Thơ. Đây cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị, rất nhiều du khách đã trải nghiệm và vô cùng thích thú, gửi những phản hồi tích cực cho chúng tôi và hứa hẹn sẽ quay trở lại trong thời gian sắp tới.
Đừng quên theo dõi chúng tôi để liên tục cập nhật những địa điểm du lịch thú vị nhé. Chúc các bạn có những chuyến đi vui vẻ!