LÀNG NGHỀ BÁNH TRÁNG MỸ LỒNG BẾN TRE NHỘN NHỊP DỊP TẾT

Những chiếc bánh tròn xinh, béo thơm từ gạo và đậm đà hương vị nước cốt dừa của chính quê hương được mệnh danh là “thủ phủ dừa” của cả nước đã làm say lòng bao thực khách.

Hãy cùng Cho thuê xe Cần Thơ giá rẻ tìm hiểu về Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng hơn trăm năm tuổi thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, cách TP. Bến Tre khoảng 10km.


Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Hàng năm vào đầu tháng 10 âm lịch, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng sôi nổi với hoạt động sản xuất phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, thời gian hoạt động xuyên suốt trong 3 tháng. Đây có thể nói là mùa vui nhất trong năm.

Du lịch Bến Tre ghé thăm làng nghề vào dịp này, từ xa thấp thoáng đã thấy dọc hai bên mặt tiền đường làng, trước sân của các hộ làm bánh là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp được phơi dưới ánh nắng mặt trời nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Mùi thơm của bánh lan tỏa hòa vào không khí của những ngày cận Tết khiến ai nấy đều cảm thấy thổn thức vì mùa Xuân đang đến rất gần. Ở đây, bất kể người già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ, ai cũng tham gia công việc làm bánh hết sức tỉ mỉ và thuần thục.


Những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp được phơi dưới nắng

Tên gọi Mỹ Lồng (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) thực ra trước đây để chỉ một chợ nhỏ mua bán các đặc sản địa phương, mà nổi tiếng nhất là món bánh tráng hấp dẫn được đông đảo thực khách ưa thích.Từ đó mỗi lần ai đó nhắc tới bánh tráng là người ta nghĩ ngay đến chợ Mỹ Lồng, cũng như thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng trở nên nổi tiếng khắp vùng Bến Tre, các tỉnh miền Tây rồi cả nước là vì thế.

Nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, nhưng thời gian ra đời của bánh tráng Mỹ Lồng chưa được xác định cụ thể. Hỏi thăm những người làm nghề trong làng thì nhận được chia sẻ mộc mạc chân thành rằng:“Là nghề truyền thống mấy ai biết nó có từ khi nào, chỉ biết vừa mới chập chững biết đi đã… vấp phải những chồng bánh tráng trong nhà, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy…”

Điểm làm nên sự khác biệt của bánh tráng Mỹ Lồng khiến ai thưởng thức một lần cũng phải nhớ tới sự béo ngậy, đậm đà trong từng miếng bánh giòn tan ấy chính là hương vị dừa. Dừa trồng trên đất Mỹ Lồng nước rất ngọt, thịt cơm dừa đặc, nhiều chất béo hơn dừa các vùng khác.


Bánh tráng xứ Mỹ Lồng đầm đà hương vị dừa

Gạo để tráng bánh phải là loại gạo ngon, thơm vừa, không quá khô, được vo kỹ và xay nhuyễn thành bột nước. Dừa chọn những trái già, cùi dày, nạo lấy nước cốt đặc và sánh.Trước đây, muốn lấy nước cốt dừa, người dân phải bào nhỏ dừa rồi vắt lấy nước cốt, nhưng hiện nay, nhờ máy ép dừa mà công đoạn cũng bớt gian nan đi rất nhiều.

Nước cốt dừa sau khi ép, phải cho vào nồi đun sôi, để lửa liu riu cho thật sệt, sau đó trộn cùng gạo rồi cho vào máy xay bột. Nhà nào kỳ công thì xay bằng cối đá truyền thống; không thì cho vào máy xay hiện đại để nước cốt dừa ngấm đều cũng với bột nước, cứ 10kg gạo thì cho 14 – 16kg dừa. Pha bột tráng bánh thường phải để cho những người có kinh nghiệm làm. Bột pha đúng đủ thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô.

Công đoạn tráng bánh là công đoạn khó nhất, bột nước sẽ được múc từng vá và đổ đều lên mặt vải căng trên nồi nước để bánh chín bằng hơi. Khi bánh chuyển từ màu trắng đục sang trong vắt thì dùng ống tre nhấc ra, rồi trải đều sang phên dừa, đem phơi nắng. Người tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau.

Công đoạn phơi nắng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không phải loại nắng nào cũng phơi, nếu nắng nhỏ thì bánh không khô, nắng gắt quá thì bánh sẽ bị vỡ. Bánh phơi đạt tiêu chuẩn là khi cầm lên tay thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm… Có tận mắt chứng kiến từ lúc pha bột, tráng bánh, đem phơi… mới thấy chiếc bánh được tạo ra từ sự khéo léo, kì công và rất tinh tế.

Ngoài loại bánh truyền thống nước cốt dừa, làng nghề còn sáng tạo ra nhiều loại bánh tráng như bánh tráng sữa và lòng đỏ trứng gà, bánh mặn lạp xưởng và tôm khô hay bánh gừng. Nhưng được khách thập phương ưa chuộng nhất vẫn là loại bánh dừa truyền thống. Những cái bánh tráng xứ Mỹ Lồng đặc trưng riêng với hương vị vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than tỏa hương thơm lừng, khiến ai về Bến Tre nhất định phải tìm ăn thử.

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng hiện nay có khoảng hơn 150 lò bánh. Vì là làng nghề lưu truyền hàng trăm năm nay, nên có những hộ gia đình đang là thế hệ thứ 2, thứ 3 làm nghề bánh tráng này. Mỗi thế hệ sau, đều được truyền lại bí quyết làm bánh ngon, đặc trưng riêng. Mỗi người dân làm bánh tráng Mỹ Lồng đều khéo léo, điệu nghệ như nghệ nhân thực sự. Từ đó những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng được lưu truyền gìn giữ đến tận hôm nay. Vào cuối năm 2018 Làng nghề truyền thống làm bánh tráng Mỹ Lồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đó, góp phần cho thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Dẫu qua bao thăng trầm, người dân làng nghề vẫn ngày ngày đốt lò nhóm lửa, xay bột, tráng bánh… bền bỉ đi cùng năm tháng. Cái chất mộc mạc, thủy chung của người làm nghề, của chiếc bánh vẹn nguyên hương vị quê dừa đã làm nét văn hóa ẩm thực quê dừa, hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là làng nghề di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đến đây, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến những nét độc đáo của làng nghề truyền thống, từng công đoạn làm nên sản phẩm, trực tiếp thưởng thức vị béo thơm của bánh ngay tại lò, mà còn có dịp cảm nhận âm thanh mùa xuân, ngắm những phên bánh đang phơi khắp mọi nẻo đường, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con sông nước. Từ trung tâm thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy 4km là tới làng nghề.