Cù lao Mây – Khám phá đặc sản miệt vườn sông nước Vĩnh Long
Nhắc đến những cù lao trên Sông Hậu, không thể không nhắc đến Cù lao Mây ở Vĩnh Long. Cù lao Mây hay còn gọi là Cù lao Lục Sĩ Thành thuộc địa phận hai xã: Lục Sĩ Thành ở phía Nam và Phú Thành ở phía Bắc của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Với không khí trong lành mát mẻ, sông nước hữu tình, cảnh quan thơ mộng sẽ làm cho bạn nhớ mãi vùng đất này.
Tên gọi dân gian cù lao Mây có thể lý giải nghĩa chung như sau: vùng đất nhô lên thành cồn, ban đầu chưa được khai phá nên có nhiều cây cỏ; lại có nhiều dây “mây rừng” đan xen trong một khu cây cỏ hoang dại, nên dân gọi là “cù lao mây”, lâu dần trở thành địa danh “cù lao Mây”.
Theo một truyền thuyết kể lại, những năm giữa thế kỷ 18, lúc Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn, khi bôn tẩu xuôi theo dòng sông Hậu ông có gặp một cù lao giữa giồn, ông đã cho thuyền ghé lại và nhận ra đây là nơi trú ẩn an toàn, quân Tây Sơn khó lòng phát hiện. Nguyễn Ánh đặt tên cho cù lao này là Vân Châu vì nhìn từ xa cù lao giống như một án mây. Vân có nghĩa là Mây, Châu là cù lao, nên dân gian ở đây gọi là cù lao Mây.
Cù lao Mây có diện tích khoảng 4000 ha, được thừa hưởng nước ngọt và phù sa của dòng Hậu Giang nên đất đai tươi tốt, cây trái xanh cành trĩu quả, người dân nhân hậu, mến khách lại nằm giữa 2 nhánh sông lớn là sông Hậu và sông Trà Ôn nên khí hậu mát mẻ quanh năm.
Cù Lao Mây cách bến Ninh Kiều – Cần Thơ khoảng 10km, di chuyển bằng thuyền ghe trong vòng 45 phút bạn sẽ đến đây. Hoặc du khách đến chợ Trà Ôn, qua con phà nhỏ sang Cù lao Mây.
Đặt chân lên đất cù lao, du khách có thể đi xe đạp hoặc xe máy dạo quanh vùng đất trù phú với những vườn cây bạt ngàn, những vườn bưởi, cam sành, chôm chôm, măng cụt, vú sữa… trái sai trĩu cành.
Sầu riêng thơm phức
Vườn nhãn ngọt ngon
Đi thuyền nhỏ len lỏi trong những con rạch hai bên xanh um bần cũng rất thú vị. Những con rạch ăn thông nhau, tạo thành một hệ thống sông rạch chi chít, sông liền sông, vườn nối vườn, không gian đậm chất Miền Tây.
Du khách thích thú khi trải nghiệm đi thuyền nhỏ len lỏi trong những con rạch
Đi bộ trên đường làng rợp bóng cây xanh mát, đi qua những cây cầu khỉ cheo leo là một trải nghiệm thú vị đối với những ai chưa từng biết loại cầu dân gian thô sơ bắc qua sông rạch rất phổ biến ở miền quê Nam bộ xưa.
Trên đường làng thường có những quán giải khát sân vườn, du khách có thể tùy ý dừng chân uống nước dừa xiêm hoặc chanh, cam vắt, ăn trái cây, đu đưa trên cánh võng thư giãn, ngắm tàu, ghe xuôi ngược trên dòng sông bát ngát.
Du khách sẽ được tham quan hái trái rất thoải mái với các loại nhãn, cam, chôm chôm và có thể mua khô cá lóc, khô cá lòng tong “đặc sản” để làm quà cho người thân…
Đến đây còn được tham gia vui chơi với các trò chơi hấp dẫn như chạy xe đạp qua cầu, đi cầu khỉ, tát mương bắt cá …và thưởng thức nhiều món ăn ngon dân dã chế biến từ cá lóc, cá trê, cá tra, ốc bươu, gà, vịt…
Các trò chơi hấp dẫn
Các món ăn đậm chất Miền Tây
Đặc biệt, cù lao Mây nổi tiếng với sản phẩm bánh tráng. Làng nghề bánh tráng ở xứ cù lao này đã có cả trăm năm tồn tại và mỗi ngày vẫn đều đặn sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm cung ứng cho thị trường. Du khách sẽ gặp nhiều hộ gia đình làm bánh tráng, chứng kiến sự cần cù, khéo tay của những người phụ nữ chân quê làm ra những chiếc bánh thơm, ngon. Ngoài bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, gần đây, nhiều hộ làm bánh còn sáng chế ra nhiều loại bánh mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, như bánh tráng nướng dừa béo, bánh tráng nướng tôm khô, bánh tráng nem lá dứa, bánh tráng củ dền…
Cù Lao Mây còn có di tích văn hóa đình Hậu Thạnh được vua Tự Đức sắc phong Thành hoàng bổn cảnh năm 1852 là một trong những ngôi đình có tuổi đời lâu năm và cổ kính nhất tại Vĩnh Long. Đến nay, đình vẫn còn mang đậm nét đình làng Nam bộ với vẻ uy nghi. Đình có nền cao, lợp ngói vẩy cá, bao gồm 3 phần: gian chính thờ Thành hoàng, gian kế gọi là Võ môn qui – nơi hội họp, gian cuối gọi là nhà Võ ca, hai bên có hai hàng gươm giáo gỗ, đây là nơi dùng để đàn ca, diễn xướng tuồng tích khi có lễ hội. Phía sau đình là nền Xã tắc thờ Thần Nông và cũng là nơi cúng hạ điền hàng năm. Chung quanh đình rợp mát cây xanh, với các loại cổ thụ như dầu, sao, long não… có đến hàng trăm tuổi, xanh um, cao vút. Hằng năm vào ngày 16.4 âm lịch, là thời gian diễn ra ngày lễ Kỳ Yên thu hút đông bảo bà con và khách du lịch Vĩnh Long về đây tham gia.
Chợ nổi Trà Ôn nằm giáp với cù lao Lục Sĩ Thành là nơi diễn ra sinh hoạt mua bán trên sông rất sinh động. Du khách, thương lái và người dân có thể mua được những sản phẩm, hàng hóa của vùng châu thổ sông Cửu Long như trái cây, lương thực, thủy hải sản của nhiều nơi mang đến. Chợ nổi ở Nam bộ là “hồn” của sông nước, đặc trưng độc đáo của cư dân đồng bằng.
Trái cây chuẩn bị đi bán
Đến nay, tại xã Lục Sĩ Thành có nhiều điểm nghỉ qua đêm homestay. Ưu điểm chính của các điểm du lịch này chính là chủ nhà có phong cách giản dị gần gũi, không khí làng quê dân dã thanh bình. Chủ nhà xem khách như người thân trong gia đình nên tạo sự thân thiện giữa khách và chủ. Ngoài cảm nhận được không khí sống ấm cúng của gia đình Việt, du khách còn cùng ở cùng làm với người dân như: trồng cây, thu hoạch trái, tráng bánh tráng…trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân xứ cù lao.
Người dân thu hoạch trái cây
Mảnh đất cù lao Mây xinh đẹp nên thơ với con người nồng hậu chắc chắn mang đến cho những ai yêu mến văn hóa đất phương Nam nhiều kỷ niệm thú vị.