Có nên kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm sâu?
Hơn 50 triệu đồng là mức giảm giá cao nhất của một mẫu xe trên thị trường ô tô Việt Nam kể từ đầu năm 2019 đến nay. Cụ thể mức giảm cao nhất này được áp dụng với 2 mẫu xe Mazda BT50 và Chevrolet Traiblazer. Ngoài ra ngay sau Tết, một loạt các thương hiệu khác như: Toyota, Mitsubishi, Nissan, Ford… cũng giảm giá cho một loạt các mẫu xe như: Vios, Outlander, Terra, EcoSport,… với mức giảm từ 15 đến 50 triệu đồng.
Việc giảm giá ô tô là tín hiệu tích cực không chỉ với người tiêu dùng mà còn là điều đáng mừng đối với cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bởi khi dung lượng thị trường đủ lớn sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển được công nghiệp phụ trợ, giảm giá thành.
Mazda BT-50 là mẫu xe được giảm giá sâu nhất kể từ đầu năm
Tuy nhiên, sau những sự thất vọng lớn về giá xe sẽ giảm sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% (từ đầu năm 2018), nhiều chuyên gia nhận định, giá ô tô tại Việt Nam chỉ có thể được điều chỉnh giảm khi xảy ra kịch bản “cung” lớn hơn “cầu” hoặc ít nhất không có tình trạng khan hiếm xe. Chỉ khi ấy các doanh nghiệp mới buộc phải giảm giá xe để cạnh tranh. Khi “cầu” còn lớn hơn “cung” thì không có lý gì khiến các hãng xe phải giảm giá bán”.
Tin tức liên quan: Hàng loạt ô tô giảm giá trong tháng 3
Ở thời điểm này, khi các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đang đẩy mạnh sản xuất, gia tăng sản lượng cùng với đó thời gian tới sẽ có thêm sự góp mặt của các mẫu xe VinFast nên chắc chắn nguồn cung trong nước sẽ dồi dào hơn. Đặc biệt khi những thủ tục đối với xe nhập khẩu đã thông thoáng, lượng xe từ Thái Lan, Indonesia và các nước khác sẽ về nhiều hơn. Khi ấy yếu tố cạnh tranh phần nào sẽ có tác động đến giá ô tô.
Vì vậy, nhiều người đang hy vọng, việc các mẫu xe liên tiếp giảm giá kể từ đầu năm đến nay là một làn sóng tương tự như năm 2016 khi thị trường liên tục được điều chỉnh, mạnh tay hạ giá chứ không chỉ là một “bước lùi” chiến thuật của các hãng xe khi thị trường ở vào mùa thấp điểm.