VỀ SA ĐÉC THĂM KIẾN AN CUNG (CHÙA ÔNG QUÁCH)

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Phước Kiến là một trong ba cộng đồng gồm Kinh, Hoa và Khmer sống chan hòa bao đời nay; nhưng họ luôn giữ được bản sắc văn hóa, tâm linh suốt nhiều thế hệ sinh sôi, trưởng thành trên đất khách. Kiến An Cung là một minh chứng về năm hóa tâm linh của họ.

Theo chân Thuê xe giá rẻ đến tìm hiểu và thăm viếng ngôi Chùa Kiến An Cung qua bài viết sau.  Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách có niên đại trên trăm năm tuổi tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, một trong những điểm du lịch Đồng Tháp thu hút đông đảo khách đến tham quan. Công trình khiến trúc tiêu biểu của văn hoá Trung Hoa này đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990.


Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990

Chùa do một nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) định cư tại Sa Đéc dựng nên để thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu, cũng là để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc việc buôn bán, trao đổi thông tin.


Ảnh chùa Kiến An Cung xưa


Ảnh chùa Kiến An Cung nay

Chùa được khởi công năm 1924 (Giáp Tý) và hoàn thành năm 1927 (Đinh Mẹo). Trong 3 năm trời đằng đẵng ấy, những người thợ từ Phúc Kiến sang đã cùng với những người thợ xây của Sa Đéc miệt mài lao động, tạo nên những đường nét, họa tiết, hoa văn, tiểu tượng… để trở thành một công trình kiến trúc uy nghiêm, rực rỡ theo phong cách đền miếu của Trung Hoa.


Chùa được khởi công năm 1924 (Giáp Tý) và hoàn thành năm 1927 (Đinh Mẹo)

Nét độc đáo của ngồi chùa là hàng rào xây bằng xi măng nhưng được chế tác như những cọc tre xanh dân dã. Đến với di tích này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc độc đáo, lộng lẫy và trang trọng. Chùa quay mặt ra rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ “Công” uy nghi, bề thế. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ.


Kiến trúc chùa mang đậm nét văn hóa Trung Hoa

Mặt tiền của chùa được thiết kế hài hòa với 3 gian chính, mái ngói âm dương được lợp theo kiểu dợn sóng rồng trải nền cho 6 ngọn sóng cong vút lên cao mà 6 đầu ngọn sóng ấy là 6 cung điện nguy nga, tráng lệ được thu nhỏ, biểu trưng cho tinh thần vượt khó và thành đạt.


Mái ngói âm dương được lợp theo kiểu dợn sóng rồng

Trước cửa chính Kiến An Cung có tượng đá xanh hai con kỳ lân to lớn, điêu khắc mỹ thuật. Cũng như các ngôi chùa Tàu khác, hai bên tường cửa cái Kiến An Cung cũng có vẽ hình hai ông Thiện, ông Ác trấn giữ.


Trước cửa chính Kiến An Cung có tượng đá xanh hai con kỳ lân to lớn

Bước qua ngạch cửa bằng đá xanh, bên trong chánh điện là thiên tỉnh (giếng trời). Đây là nơi lấy ánh sáng và thông gió giúp chùa lúc nào cũng sáng sủa và thoáng mát. Đặc biệt cái hay của thiên tỉnh là giúp chùa giải bớt khói nhang mù mịt một cách nhanh chóng trong những ngày lễ lớn, khách thập phương viếng chùa đông. 


Thiên tỉnh (giếng trời)


Cảnh vật từ giếng trời nhìn ra ngoài

Những hàng cột lớn, đen bóng đồ sộ; hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng, liễn, chấn… tất cả được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. 


Những hàng cột lớn, đen bóng đồ sộ; hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng, liễn, chấn… được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ.

Ngay giữa chánh điện là bàn thờ ông Quách (tức Quảng Trạch Tôn Vương), mặt đỏ hồng, chân gác lên, tay nâng đai ngọc; hai bên có hai vị thần cầm ấn kiếm, tướng diện oai phong lẫm liệt; bên tả là Thanh Thuỷ Tổ Sư (nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho dân); bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế (có nhiệm vụ bảo vệ sanh mạng của người trung nghĩa)…


Ngay giữa chánh điện là bàn thờ ông Quách

Phía trước bàn thờ có tượng quan Thánh Đế Quân, có sắp hai hàng binh khí sáng ngời; cạnh bên có Đông lang và Tây lang để làm nơi tiếp khách khi đến cúng bái, trên vách tường có vẽ những bức tranh theo lối thủy mạc, nét vẽ rất uyển chuyển, sống động, những hình thập điện phong thần, những truyện xưa tích cũ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.


Những bức tranh sống động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con Lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và các quan ngày xưa. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng rực rỡ….


Các vật liệu quan trọng như đá xanh làm ngạch cửa, lư hương… từ cố quốc đưa sang

Đến Kiến An Cung, du khách có dịp trầm trồ, thán phục những tuyệt tác điêu khắc gỗ. Đó là những bao lam trải dài bên dưới trần chùa, nối liền các cây cột. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian Trung Hoa sang thực hiện. Họ cũng dùng vật liệu quan trọng như đá xanh làm ngạch cửa, lư hương… từ cố quốc đưa sang. Đã qua lớp bụi thời gian gần cả trăm năm mà ngôi chùa trông vẫn bề thế và nét vẽ vẫn không phai mờ. Quả là tài nghệ của những người thợ lành nghề thuở xưa.


Điểm nhấn của chùa còn là những chiếc nhang vòng treo trên cao

Hằng năm, chùa có hai lễ tế: Ngày 22 tháng 02 (âm lịch) là ngày sinh của ông Quách và ngày 22 tháng 08 (âm lịch) là ngày ông thành đạo; chùa có thiết lễ cúng tế rất trang nghiêm, đông đảo người đến dự và cầu nguyện. Đáo lệ 03 năm thì lập trai đàn, cầu siêu cho bá tánh; cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận…  


Nét đẹp cổ kính ở chùa

Nằm bên dòng sông Tiền, Sa Đéc là vùng đất có bề dày lịch sử hàng mấy trăm năm ở Nam Bộ, được biết đến là thủ phủ hoa, kiểng của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Du lịch Sa Đéc hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp dung dị, bình yên và hoài cổ. Tới đây, du khách như lạc về miền Tây của những ngày tháng cũ. Tại Sa Đéc cón có nhiều ngôi đình, chùa cổ, đẹp có giá trị về văn hoá, lịch sử như chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình Vĩnh Phước, Tân Tây võ miếu, chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ…